Nước hoa xịt phòng, hộp nhựa cũ, quần áo không mặc nữa, thức ăn thừa trong tủ lạnh... nên vứt bỏ vào cuối năm để bảo vệ sức khỏe của gia đình.
1. Hộp nhựa cũ
Kiểm tra lại những hộp đựng thức ăn trong nhà bạn. Hãy bỏ hộp đựng cứng màu trong suốt có ghi số 7 hoặc chữ “PC” (viết tắt của polycarbonate). “Những loại hộp đựng này có nguy cơ chứa BPA gây ung thư”, Sonya Lunder, nhà phân tích cao cấp của Nhóm Công tác môi trường cảnh báo. Bà cũng khuyên nên vứt các hộp đựng đã biến dạng hoặc có dấu hiệu nứt vỡ.
Lunder cũng cảnh báo không nên bỏ bất kỳ loại đồ nhựa nào vào lò vi sóng vì chất độc từ nhựa có thể thôi ra thức ăn. "Nhìn chung, dùng chai lọ thủy tinh vẫn an toàn hơn", bà nói.
2. Chất làm thơm phòng
Gần đây một số công ty cam kết giảm dần phthalates (hóa chất giúp lưu hương lâu hơn) trong các sản phẩm tạo mùi thơm. Song trên thực tế nhiều sản phẩm làm thơm phòng (dạng rắn, xịt, chốt cắm) vẫn có phthalates. Người hít phải chất này với liều lượng lớn có thể gây vô sinh, chậm phát triển trí tuệ.
"Chúng đơn giản chỉ là nước hoa tổng hợp mà bạn đặt trong không khí. Cách tốt nhất là làm sạch những thứ gây mùi trong phòng chứ không phải dùng hóa chất tạo mùi thơm để che lấp đi", Lunder nói.
3. Xà phòng kháng khuẩn
Xà phòng kháng khuẩn không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn vượt trội hơn so với các loại xà phòng thông thường. Mặt khác, chúng không an toàn với người sử dụng. Triclosan, thành phần hoạt chất trong chất tẩy rửa diệt khuẩn, đã được chứng minh có thể làm rối loạn sự điều chỉnh hormone ở động vật, thậm chí gây phản ứng kháng thuốc kháng sinh.
3. Nước ngọt cho người ăn kiêng (diet soda)
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho biết những chất ngọt không chứa calo như saccharin, sucralose và aspartame có thể gây rối loạn hoạt động của các lợi khuẩn đường ruột. Các loại vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.
4. Giày thể thao bị mòn
Tiến sĩ Jason Karp, nhà sinh lý học, tác giả cuốn Running for Women (tạm dịch là “Chạy bộ dành cho phụ nữ”), khuyên nên thay giày thể thao mới sau khi đã chạy được từ 500 đến 600 km.
Khi giày mòn sẽ giảm khả năng chống đỡ lực tác động tạo ra từ mỗi bước chân, do đó lực sẽ tác động mạnh hơn lên các cơ, xương, gân, làm gia tăng nguy cơ chấn thương. Trong trường hợp bạn không thường xuyên chạy bộ, các chuyên gia khuyến cáo nên thay giày 6 tháng một lần hoặc bất cứ khi nào bạn nhận thấy chúng đã mòn đi.
5. Bàn chải đánh răng đã sờn
"Theo kinh nghiệm của tôi, lông bàn chải bắt đầu mòn sau khoảng 2 tháng sử dụng. Do đó, tôi khuyên bệnh nhân nên thay thế bàn chải ít nhất 3 tháng một lần", Ruchi Sahota, phát ngôn viên của Hiệp hội Nha khoa Mỹ nói. Ngoài ra, bàn chải mòn cũng được chứng minh kém hiệu quả hơn trong việc làm sạch răng và chống sâu răng.
6. Tình trạng lộn xộn
Gail Blake, tác giả cuốn “Throw Out 50 Things” gọi những đồ đạc không còn sử dụng là "mảng bám” của cuộc sống. "Càng chồng chất nhiều thứ như vậy xung quanh mình, chúng ta càng khó có thể tập trung vào những gì mình thực sự quan tâm", bà giải thích.
Tác giả này khuyên mọi người hãy quăng những thứ làm bạn không thoải mái khi nhìn thấy chúng như đôi vớ cũ, những hộp đựng đồ nhà bếp linh tinh... Hãy đặt mục tiêu trong năm mới là giảm thiểu các vật dụng không cần thiết, chỉ giữ lại những thứ khiến bạn cảm thấy thoải mái, hứng khởi, tràn trề sinh lực.
7. Quần áo không mặc nữa
Hãy ngắm qua tủ quần áo của bạn và kiểm xem những thứ nào mình không đụng tới trong nhiều năm qua. Việc nhìn thấy những thứ này mỗi ngày có thể gây căng thẳng cho bạn.
8. Thức ăn thừa còn sót lại trong tủ lạnh
Đối với thực phẩm dễ hư hỏng có chứa thành phần động vật, cách tốt nhất là ăn ngay hoặc vứt bỏ, cùng lắm là bảo quản đông lạnh chỉ trong vòng 3 ngày. Đặc biệt vi khuẩn hình que có thể gây viêm màng não, sảy thai, thậm chí tử vong, nó có thể sinh sôi ra đến hàng triệu con khi ở trong tủ lạnh 3 tuần.
9. Mascara cũ
"Đồ trang điểm dạng lỏng, kể cả mascara, có thể chứa rất nhiều vi trùng", tiến sĩ Thomas Steinemann, phát ngôn của Viện nhãn khoa Mỹ cho biết. Ông khuyến nghị mọi người nên vứt bỏ các loại mỹ phẩm này sau khi khui từ 2 đến 3 tháng.
"Mỗi lần sử dụng mascara cũ, bạn đang bôi thêm một lượng vi khuẩn lên lông mi mình. Làm như thế cũng có nghĩa là bạn đang làm dơ bàn chải mascara vì những vi khuẩn trên da và lông mi dính vào. Dưới nhiệt độ phòng, những vi khuẩn này sẽ nhanh chóng sinh sôi và phát triển”, ông nói.
10. Hộp đựng kính áp tròng bị bẩn
"Hộp đựng kính sát tròng bẩn là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng mắt". Tiến sĩ Steinemann khuyến nghị nên thay thế hộp đựng kính mắt ít nhất 3 tháng một lần, bên cạnh đó cần làm sạch, phơi khô và vệ sinh hộp đựng hàng ngày.
11. Gia vị cũ
Các loại gia vị đã được treo trong tủ của bạn suốt nhiều năm có thể không làm cho bạn bị bệnh, nhưng chúng sẽ không còn tác dụng tăng hương vị cho món ăn nữa. Hãy vứt bỏ những loại gia vị cũ, đây là nguyên tắc quan trọng khi muốn nấu những món ăn lành mạnh mà không chứa quá nhiều calo hay chất béo.
12. Son cũ
Bất cứ thứ gì được sử dụng quanh vành môi của bạn cũng có thể thu hút nhiều vi khuẩn ngay lập tức. Điều này làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nếu môi bạn có vết xước hay nứt. Vì lý do này, các chuyên gia khuyên nên bỏ đi những thỏi son bóng hoặc son trang điểm quá sáu tháng sau khi bạn mở nó ra. Đặc biệt cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm.
13. Bộ lọc không khí bị mốc
Những người bị dị ứng hoặc hen suyễn, có nguy cơ nặng thêm bởi bụi, nấm mốc và vi khuẩn trong không khí. Một hệ thống lọc khí tốt về lâu dài sẽ giúp bạn giảm thiểu những nguy cơ này. Đừng quên thay bộ lọc thường xuyên, nếu không bạn đang tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn sinh sôi đồng thời thổi chất gây ô nhiễm trở lại vào không khí. Thời gian thay bộ lọc tùy thuộc vào loại sản phẩm bạn đang sử dụng. Một dấu hiệu cảnh báo bạn nên thay mới bộ lọc là nó có mùi mốc.
14. Áo ngực bị giãn
Độ đàn hồi trong áo ngực sẽ giảm dần theo thời gian, giặt áo bằng máy giặt càng đẩy nhanh hơn quá trình lão hóa này. "Hãy vứt bỏ chiếc áo ngực bất cứ khi nào cảm thấy không còn thoải mái khi mặc. Tuân thủ điều này sẽ giúp giảm nguy cơ đau lưng ở những người phụ nữ hơi đầy đặn, làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của các mô vú”, tiến sĩ Kristi Funk nói.
15. Vứt bỏ miếng rửa chén cũ
Nghiên cứu cho thấy những miếng rửa chén là thứ chứa nhiều vi sinh vật độc hại nhất trong các gia đình. Trong khi một số chuyên gia khuyên nên sấy bọt biển trong lò vi sóng để diệt khuẩn, thì Doyle đề nghị bạn nên vứt bỏ hẳn những đồ vật này sau một thời gian sử dụng.
16. Không dùng thớt nhựa
Thái thức ăn sẽ để lại những vết lằn trên bề mặt thớt. Một khi vi khuẩn xâm nhập vào các rãnh nhỏ và bắt đầu phát triển và tạo thành ổ vi khuẩn trên thớt của bạn. Doyle khuyên các gia đình nên chuyển sang dùng loại thớt gỗ có chứa thành phần nhựa tự nhiên giúp kháng khuẩn.
17. Thay đổi thói quen dùng thiết bị công nghệ hiện đại
Các nghiên cứu chỉ ra rằng quá tải thông tin sẽ xảy ra khi bạn sử dụng các thiết bị thông minh trong một thời gian dài, từ đó dẫn đến tình trạng căng thẳng và kiệt sức. Do đó hãy tập thói quen tắt nguồn và bỏ các thiết bị của bạn trong một ngăn kéo ít nhất vài lần mỗi tuần để não bạn được nghỉ ngơi. Lý tưởng hơn là lên một lịch trình, chẳng hạn như tắt nguồn điện thoại từ sau 9h tối hoặc vào giờ nghỉ trưa.
18. Bớt thói quen ngồi ghế
Nghiên cứu toàn cầu cho thấy trung bình một người ngồi 7,7 tiếng mỗi ngày, thậm chí có người ngồi đến 15 giờ một ngày. Ngồi quá nhiều ảnh hưởng tới hệ thống trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, trầm cảm. Hiệp hội Y khoa Mỹ khuyến cáo các công sở chuyển sang dùng bàn làm việc đứng để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến thói quen ngồi quá nhiều.